Ở Phú Hội, hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà nào ít thì 1 đến 2 mẫu, nhiều thì hàng ha. Trước đây khi chưa có tổ hợp tác, người nông dân mạnh ai nấy làm nên sản phẩm chè làm ra không có thương hiệu, không đảm bảo chất lượng nên giá thành thấp. Người nông dân dù quanh năm vất vả nhưng thu nhập từ cây chè không cao.
Năm 2009, được sự hỗ trợ của Dự án CARE và hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, tổ hợp tác sản xuất chè thôn Phú Hội 2, xã Sơn Phú (Định Hóa) được thành lập và đi vào hoạt động với 17 thành viên đều là hội viên phụ nữ. Ngày đầu mới thành lập, tổ hợp tác gặp vô vàn những khó khăn do không có thị trường tiêu thụ, thiếu vốn sản xuất, các thành viên tham gia phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, đóng bao bì nên một số thành viên chưa thực sự nhiệt tình. Những năm trở lại đây, Tổ hợp tác đã củng cố lại hoạt động, trong đó chú trọng đến sản xuất chè an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Các thành viên cùng nhau cam kết và đăng ký diện tích sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; được tham gia các lớp tập huấn quy trình chăm sóc, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; được hướng dẫn cách sử dụng phân bón vi sinh, phun thuốc trừ sâu đúng quy trình, cách thức hái và chế biến chè cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Đặc biệt, các chị em tham gia tổ hợp tác còn giúp nhau đổi công thu hái chè kịp thời vụ, sao sấy bằng tôn quay tại các xưởng chế biến tập trung nên sản phẩm chè làm ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giữ được hương thơm tự nhiên.